Insight hay insight khách hàng (Customer Insights) là những sự thật bên trong khách hàng được doanh nghiệp ngầm hiểu và sử dụng nó để diễn giải hành vi cũng như xu hướng mua hàng của khách hàng.
Hiểu một cách đơn giản, Insight của khách hàng là những suy nghĩ và mong muốn của họ về sản phẩm hay doanh nghiệp, đó cũng có thể là niềm tin ẩn sâu bên trong khách hàng chưa được khai thác để khơi gợi hành động của họ, là những vướng mắt chưa có cách giải quyết.
Nắm bắt được các vấn đề trên, doanh nghiệp sẽ có những giải pháp phù hợp, “gãi đúng chỗ ngứa” của khách hàng, tạo được ấn tượng, gia tăng tỉ lệ “giữ chân” khách hàng, làm cho họ tin dùng sản phẩm.
Một số loại Insight khách hàng cơ bản:
- Insight nhân khẩu học: Thông qua tương tác với khách hàng, doanh nghiệp thu thập được insight nhân khẩu học. Đó là những thông tin về quốc tịch, tôn giáo, giới tính, tuổi tác, thu nhập, vị trí địa lý, tình trạng hôn nhân,… Doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ Social Listening để tiến hành thu thập dữ liệu, những dữ liệu này góp phần giúp doanh nghiệp xác định phân khúc khách hàng một cách chính xác, từ đó có những chiến dịch Marketing và điều chỉnh sản phẩm sao cho phù hợp với khách hàng nhất có thể.
- Insight phản hồi: Thông qua các phản hồi, đánh giá của khách hàng, dù cho tích cực hay tiêu cực, tất cả đều được doanh nghiệp thu thập để hình thành nên insight nhất định, cũng như dựa vào đó để cải thiện và duy trì địa vị thương hiệu. Có nhiều cách để thu thập và xử lý phản hồi từ khách hàng như lên lịch các cuộc gọi đánh giá cho khách hàng, phỏng vấn, gửi khảo sát,…
- Insight động cơ mua hàng: Có được Insight này thông qua tìm hiểu và nhận biết được động cơ thúc đẩy nhu cầu mua hàng của khách hàng, đó có thể là chất lượng hay tính năng của sản phẩm, là cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, là những dịch vụ chăm sóc hay các chương trình khuyến mãi,… Insight động cơ mua hàng cho doanh nghiệp thấy được sản phẩm của họ đã đem lại những giá trị nhất định cho người mua hàng, từ đó có những chiến dịch truyền thông đánh vào giá trị của sản phẩm, tạo cảm giác nâng cao địa vị cho khách hàng, thôi thúc nhu cầu mua hàng hơn nữa.
- Insight nhận thức thương hiệu: Với dữ liệu insight này, doanh nghiệp có thể biết khách hàng của mình đang nghĩ gì và có những quan điểm gì về mình. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động tạo ra các insight nhận thức thương hiệu theo hướng tích cực cho khách hàng bằng cách khởi động các chiến dịch Marketing nhắm đến lợi ích của khách hàng hay xã hội, làm cho khách hàng thấy được những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất. Khi đó, doanh nghiệp sẽ thật sự thành công trong việc xây dựng brand love.
Nguồn: advertisingvietnam.com