Ứng dụng mô hình 5M vào các hoạt động marketing hiện đại

Ứng dụng mô hình 5M vào các hoạt động marketing hiện đại

Mô hình 5M trong marketing là một mô hình phổ biến thường được các marketer sử dụng để lên kế hoạch và triển khai hoạt động marketing tại các doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để ứng dụng mô hình 5M trong thực tế và đem lại hiệu quả cho hoạt động marketing? 

Mô hình 5M – 3M – 4M trong marketing là gì?

 Mô hình 3M trong marketing là gì?

Mô hình 3M trong marketing gồm 3 yếu tố quan trọng marketer cần cân nhắc khi triển khai hoạt động marketing, bao gồm: 

  • Market – thị trường mục tiêu
  • Media – phương tiện truyền thông
  • Message – thông điệp.

Market – Thị trường mục tiêu

Yếu tố đầu tiên trong mô hình 3M là thị trường mục tiêu (market). Yếu tố gốc rễ của bất kỳ hoạt động marketing nào là xác định thị trường mục tiêu doanh nghiệp muốn hướng đến. 

Khi xác định thị trường mục tiêu, các marketer cần xác định đối tượng khách hàng mục tiêu cụ thể dựa trên những tiêu chí như: đặc điểm nhân khẩu học, địa lý, tâm lý, hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm dịch vụ. 

Từ những thông tin này, các marketer sẽ lên kế hoạch hoạt động marketing, lựa chọn phương tiện truyền thông, thông điệp phù hợp để tiếp cận nhóm khách hàng này.

Media – phương tiện truyền thông

Tiếp theo là yếu tố phương tiện truyền thông (media). Phương tiện truyền thông là cách thức marketer sử dụng để truyền tải thông điệp tới đúng đối tượng khách hàng mục tiêu. Các phương tiện truyền thông có thể được phân loại thành kênh truyền thống và kênh hiện đại. 

Kênh media truyền thống bao gồm các kênh như TV, quảng cáo ngoài trời (OOH), radio, sản phẩm in ấn, trưng bày vật dụng hỗ trợ bán hàng (POSM) tại điểm bán, phát tờ rơi… 

Kênh media truyền thống thường có chi phí khá cao. Khi sử dụng kênh này, thương hiệu thường truyền tải một thông điệp đến đại chúng, sự tương tác giữa khách hàng và thương hiệu khá hạn chế. 

Kênh media hiện đại bao gồm những kênh như Internet, marketing kỹ thuật số (digital marketing), mạng xã hội, blog, chatbot… Với kênh hiện đại, thương hiệu có thể điều chỉnh thông điệp cho mỗi nhóm đối tượng khách hàng. 

Kênh hiện đại mở ra nhiều cơ hội hơn cho sự tương tác giữa khách hàng và thương hiệu, khi khách hàng có thể trực tiếp kết nối và trao đổi qua chatbot, các nhóm cộng đồng…

Message – thông điệp

Yếu tố thứ ba là thông điệp (message). Thông điệp là những thông tin, nội dung doanh nghiệp muốn truyền tải tới khách hàng nhằm thu hút sự chú ý, tương tác hoặc thuyết phục người tiêu dùng thực hiện hành động, hay lựa chọn sản phẩm dịch vụ. 

Chìa khóa để tạo ra thông điệp hiệu quả là đảm bảo nó phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự am hiểu tường tận nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ, lợi thế của thương hiệu và đối thủ cạnh tranh trên thị trường, liên tục cập nhật những thay đổi và xu hướng mới trên thị trường.

Mô hình 4M trong marketing là gì?

Mô hình 4M trong marketing bao gồm 4 yếu tố các marketer cần xác định khi triển khai hoạt động marketing: 

  • Merchandise – hàng hóa
  • Market – thị trường mục tiêu
  • Media – phương tiện truyền thông
  • Message – thông điệp.

Trong đó, các yếu tố thị trường mục tiêu, phương tiện truyền thông, thông điệp tương tự với mô hình 3M đã được MISA phân tích ở trên. Điểm khác biệt của mô hình 4M so với mô hình 3M là có thêm sự xuất hiện của yếu tố hàng hóa (merchandise). 

Hàng hóa bao gồm những sản phẩm, dịch vụ được trao đổi, mua bán trên thị trường. Khi triển khai hoạt động marketing, marketer cần xác định rõ hàng hóa mình cần quảng bá, điểm đặc biệt, cũng như thị trường mục tiêu và đối thủ cạnh tranh. 

Điều này giúp doanh nghiệp lựa chọn thị trường mục tiêu, phương tiện truyền thông, thông điệp phù hợp để quảng bá sản phẩm dịch vụ tới đúng đối tượng khách hàng tiềm năng. 

Việc am hiểu thông tin thị trường và khách hàng cũng giúp các marketer liên tục nghiên cứu và cải tiến chất lượng hàng hóa, hoặc hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ mới, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.  

Các yếu tố trong mô hình 5M

Mô hình 5M gồm 5 yếu tố người làm marketing cần xác định khi triển khai hoạt động marketing: 

  • Mission – mục tiêu
  • Money – ngân sách
  • Media – phương tiện truyền thông
  • Message – thông điệp
  • Measurement – đánh giá hiệu quả. 

Mission – Mục tiêu

Yếu tố đầu tiên cần xác định trong mô hình 5M là mục tiêu. Đằng sau sự thành công của mọi chiến dịch marketing là một mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Mục tiêu là kết quả mong muốn mà doanh nghiệp đặt ra khi triển khai hoạt động marketing và cố gắng đạt được trong một khoảng thời gian nhất định. 

Mục tiêu là kim chỉ nam định hướng toàn bộ kế hoạch triển khai hoạt động marketing, giúp doanh nghiệp đi đúng hướng và tập trung nguồn lực để đạt được kết quả. Khi xác định mục tiêu marketing, doanh nghiệp có thể tham khảo mô hình SMART.

Money – ngân sách

Bên cạnh mục tiêu, ngân sách là yếu tố các marketer cần cân nhắc khi thực thi hoạt động marketing, đặc biệt trong thời điểm thị trường kinh doanh ngày càng trở nên cạnh tranh và chi phí marketing ngày càng đắt đỏ. 

Ứng dụng mô hình 5M vào các hoạt động marketing hiện đại
Ngân sách là yếu tố các marketer cần cân nhắc khi thực thi hoạt động marketing

Ngân sách dành cho hoạt động marketing của mỗi doanh nghiệp đều có giới hạn, nên đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương tiện truyền thông.

Media & message

Các yếu tố phương tiện truyền thông, thông điệp trong mô hình 5M giống với mô hình 3M và 4M đã được phân tích ở trên. Hãy cùng MISA tìm hiểu thêm về việc xác định mục tiêu, ngân sách và đánh giá hiệu quả trong mô hình 5M.

Measurement – đánh giá hiệu quả

Yếu tố cuối cùng trong mô hình 5M là đánh giá hiệu quả (measurement). Peter Drucker – chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị từng có câu nói nổi tiếng: “What gets measured, gets managed.”

Những gì được đo lường thì mới có thể quản lý được. Điều này cũng áp dụng cho hoạt động marketing. Sau khi triển khai một chiến dịch marketing, điều quan trọng là marketer cần nhìn nhận và đánh giá hiệu quả của những hoạt động đã thực thi. 

Từ đó, chúng ta mới biết được những điểm đã làm tốt, những điểm cần cải thiện, tạo cơ sở để lập kế hoạch và tối ưu hiệu quả hoạt động marketing trong tương lai.

Mối liên hệ giữa mô hình 3M, 4M, 5M trong marketing

Mô hình 3M, 4M, 5M trong marketing thể hiện những yếu tố quan trọng cần được xác định khi xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động marketing. Cụ thể:

  • Mô hình 3M gồm những yếu tố cốt lõi là thị trường mục tiêu, phương tiện truyền thông, thông điệp. 
  • Mô hình 4M là sự mở rộng của mô hình 3M với sự xuất hiện thêm của yếu tố hàng hóa. 
  • Cuối cùng, mô hình 5M là mô hình có số lượng yếu tố nhiều nhất, với 5 yếu tố từ mục tiêu, ngân sách, phương tiện truyền thông, thông điệp, đánh giá hiệu quả. 

Tùy thuộc từng hoạt động marketing và sự đánh giá của marketer về mức độ cần thiết của từng yếu tố với mỗi chiến dịch, marketer có thể linh hoạt sử dụng các mô hình này. 

Trong đó, mô hình 5M là mô hình toàn diện và có đầy đủ yếu tố nhất, nên đây cũng là mô hình các marketer có thể ưu tiên sử dụng để có được kế hoạch marketing hoàn thiện nhất, tăng khả năng thành công và mức độ hiệu quả của chiến dịch marketing.

Tầm quan trọng của mô hình 5M trong marketing

Mô hình 5M bao gồm 5 yếu tố toàn diện giúp marketer lập kế hoạch và thực thi hoạt động marketing một cách có chiến lược. Việc ứng dụng mô hình 5M trong hoạt động marketing không chỉ đem lại lợi ích cho các marketer mà còn mang đến giá trị cho doanh nghiệp.

Đầu tiên, việc ứng dụng mô hình 5M giúp việc lập kế hoạch và triển khai hoạt động marketing có định hướng, mục tiêu rõ ràng, giúp các marketer tận dụng tối ưu ngân sách. 

Nhờ có mô hình 5M, marketer có thể lựa chọn và kết hợp các phương tiện truyền thông phù hợp, nghiên cứu và tạo ra những thông điệp sáng tạo, độc đáo để thu hút khách hàng mục tiêu. 

Ngoài ra, mô hình này còn giúp người làm marketing đánh giá hiệu quả chiến dịch để xác định những điểm đã làm tốt, những điểm cần cải thiện, tạo cơ sở để tối ưu hiệu quả hoạt động marketing trong tương lai. 

Đối với doanh nghiệp, mô hình 5M thể hiện được tầm quan trọng khi giúp những người quản lý hiểu được mục tiêu và kết quả dự kiến của hoạt động marketing, từ đó có cơ sở cân nhắc và duyệt ngân sách phù hợp. 

Cuối cùng, nhờ việc áp dụng mô hình này, các hoạt động marketing của doanh nghiệp sẽ được thực hiện một cách bài bản, có chiến lược, tăng khả năng thành công. Điều này góp phần đem lại kết quả thực tế và tạo nên sự tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp.

Cách áp dụng mô hình 5M vào hoạt động marketing

Sau khi đã hiểu được tầm quan trọng của mô hình 5M, hãy cùng MISA tìm hiểu về cách áp dụng mô hình 5M vào hoạt động marketing nhé.

Yếu tố đầu tiên cần xác định trong mô hình 5M là mục tiêu. 

Để hoạt động marketing được tập trung và hiệu quả nhất, marketer cần đánh giá và lựa chọn mục tiêu quan trọng nhất cần đạt được ở thời điểm hiện tại tương ứng với hành trình mua hàng và sự nhận biết của khách hàng với thương hiệu. 

Ví dụ, với thương hiệu mới ra mắt trên thị trường, mục tiêu đầu tiên là cần thu hút sự chú ý, tăng cường nhận biết của khách hàng tiềm năng với sản phẩm, dịch vụ, bởi họ cần biết về thương hiệu trước khi cân nhắc lựa chọn hoặc quyết định mua hàng. 

Khi khách hàng đã biết đến thương hiệu và đang ở giai đoạn cân nhắc giữa rất nhiều lựa chọn, mục tiêu của marketer ở thời điểm này là tăng sự tương tác, kết nối giữa khách hàng và thương hiệu. 

Các hoạt động marketing tập trung khiến khách hàng cảm thấy quan tâm, tin tưởng, yêu thích thương hiệu, thông qua việc cung cấp thông tin, truyền tải thông điệp, thuyết phục khách hàng rằng sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu là sự lựa chọn phù hợp nhất với họ. 

Ở giai đoạn quyết định mua hàng, mục tiêu của hoạt động marketing là tăng trưởng doanh số của thương hiệu, khiến khách hàng thực hiện hành động mua hàng. Để làm được điều này, marketer có thể cân nhắc và triển khai những chương trình khuyến mãi, dùng thử để khách hàng cảm thấy tự tin và sẵn sàng đưa ra quyết định mua hàng. 

Sau khi khách hàng đã mua hàng, mục tiêu ở thời điểm này là nâng cao lòng trung thành của khách hàng, khiến họ quyết định mua hàng thêm nhiều lần nữa và giới thiệu sản phẩm dịch vụ với người khác. 

Điều này là vô cùng quan trọng bởi việc thuyết phục những khách hàng cũ đã từng lựa chọn thương hiệu thường sẽ dễ và ít tốn kém hơn so với việc tìm kiếm khách hàng mới. 

Những hoạt động để đạt được mục tiêu này có thể kể đến như thiết kế những chương trình ưu đãi dành cho khách hàng trung thành, giảm giá khi mua từ lần thứ 2 trở lên, gửi quà tặng hoặc ưu đãi đặc biệt khi khách hàng giới thiệu thành công người khác mua sản phẩm dịch vụ.

Xác định mức ngân sách cho hoạt động marketing

Sau khi đã làm rõ mục tiêu, marketer cần xác định mức ngân sách cho hoạt động marketing. “Nên chi bao nhiêu cho hoạt động marketing?” luôn là một câu hỏi lớn với các marketer. Một phương pháp phổ biến thường được sử dụng là xác định ngân sách dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh số. 

Một lời khuyên bạn có thể thường gặp là các doanh nghiệp nên dành mức ngân sách khoảng 6% đến 12%, với mức phổ biến là 10% doanh số cho hoạt động marketing. 

Đây là con số để bạn tham khảo, trong thực tế sẽ không có mức nào tối ưu cho tất cả doanh nghiệp, mà phụ thuộc vào ngành hàng và mục tiêu của từng doanh nghiệp.

Các marketer có thể bắt đầu với mức ngân sách nhỏ trước, triển khai trong thực tế và sau đó đánh giá, điều chỉnh để xác định được mức ngân sách phù hợp nhất với thương hiệu của mình.

Ứng dụng mô hình 5M vào các hoạt động marketing hiện đại
Marketer có thể xác định ngân sách marketing dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh số

Lựa chọn phương tiện truyền thông

Yếu tố tiếp theo trong mô hình 5M là lựa chọn phương tiện truyền thông. Dựa vào sự am hiểu về hành vi của khách hàng, mục tiêu và mức ngân sách, marketer sẽ xác định phương tiện truyền thông phù hợp. 

Với sự thay đổi mạnh mẽ của hành vi mua hàng trong kỷ nguyên công nghệ, marketer cần hiểu rõ về sự thay đổi này lựa chọn phương tiện truyền thông, có sự kết hợp giữa kênh truyền thống và kênh hiện đại tùy theo ngành hàng và hành vi khách hàng.

Khi triển khai chiến lược truyền thông đa kênh, marketer có thể kiểm tra kết quả hoạt động marketing đã thực hiện trước đây để có sự phân bổ ngân sách hợp lý giữa các kênh.

Ví dụ, trong quá khứ, có một tỷ lệ lớn khách hàng tiềm năng đến từ một kênh truyền thông, và kênh đó đã chứng tỏ được mức độ hiệu quả, thì chúng ta có thể phân bổ ngân sách nhiều hơn cho kênh đó.

Nếu doanh nghiệp có ngân sách marketing hạn chế, marketer nên tập trung triển khai và tối ưu hoạt động marketing ở một vài kênh truyền thông quan trọng trước và có khả năng đem lại kết quả tốt nhất, thay vì dàn trải trên nhiều kênh.

Xác định thông điệp phù hợp

Tiếp theo, marketer cần xác định thông điệp phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu. Với những thương hiệu triển khai chiến lược truyền thông đa kênh, marketer cần đảm bảo có sự nhất quán về thông điệp giữa các kênh để thể hiện sự đồng nhất của thương hiệu. 

Ngoài ra, các marketer có thể thực hiện phương pháp A/B testing, hay thử nghiệm A/B đối với thông điệp để xác định thông điệp hiệu quả hơn, tối ưu hiệu quả của chiến dịch. 

A/B testing là một quy trình mà trong đó hai phiên bản A và B sẽ được cùng so sánh trong một tình huống xác định và qua đó đánh giá xem phiên bản nào hiệu quả hơn. Phiên bản ở đây có thể là nội dung quảng cáo, landing page, email marketing… và hiệu quả được đánh giá dựa trên mục tiêu khi thử nghiệm, như lượt xem, lượt đăng ký. 

Ví dụ, khi triển khai chiến dịch quảng cáo Facebook với mục tiêu là lượt đăng ký trên trang đích landing page, marketer có thể tạo ra hai thông điệp quảng cáo, với cùng hình ảnh, đối tượng mục tiêu và landing page.

Qua một thời gian chạy quảng cáo, thông điệp quảng cáo nào đem lại nhiều lượt chuyển đổi hơn sẽ được xác định là thông điệp hiệu quả hơn. Từ đó, chúng ta có thể cân nhắc tạm dừng thông điệp còn lại, tập trung ngân sách quảng cáo cho thông điệp hiệu quả để tối ưu ngân sách và kết quả chiến dịch marketing.

Đánh giá hiệu quả

Bước cuối cùng trong việc áp dụng mô hình 5M là đánh giá hiệu quả. Một điểm các marketer cần lưu ý là với những kênh truyền thống như biển quảng cáo ngoài trời, chúng ta sẽ khó đánh giá được chính xác mức độ hiệu quả của những kênh này.

Với những kênh marketing kỹ thuật số (digital marketing) như quảng cáo Facebook, việc đánh giá hiệu quả sẽ dễ dàng hơn với số liệu được cập nhật liên tục. Đây cũng là điểm quan trọng các marketer cần cân nhắc để lựa chọn và đánh giá mức độ hiệu quả của các phương tiện truyền thông. 

Việc đánh giá hiệu quả phụ thuộc vào mục tiêu của hoạt động marketing đã được xác định từ ban đầu. Với từng mục tiêu tương ứng với từng giai đoạn của hành trình khách hàng, chúng ta sẽ dựa vào những chỉ số khác nhau để đánh giá hiệu quả. 

Ví dụ, ở giai đoạn nhận biết, khi triển khai chiến dịch quảng cáo Facebook, chỉ số marketer cần quan tâm là CPM (cost per mille) – chi phí trên 1000 lượt hiển thị. 

Đến giai đoạn cân nhắc, tương ứng với mục tiêu là tăng sự tương tác, quan tâm của khách hàng tiềm năng, marketer có thể đánh giá hiệu quả qua chỉ số CTR (click through rate) – tỷ lệ nhấp, tương ứng số lượt nhấp mà quảng cáo nhận được chia cho số lượt hiển thị quảng cáo. 

Ở giai đoạn khách hàng quyết định mua hàng, tỷ lệ chuyển đổi conversion rate, tương ứng với số lượt chuyển đổi chia cho tổng số lần tương tác với quảng cáo là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả ở bước này. 

Cuối cùng, để đo lường hiệu quả tương ứng với mục tiêu tăng mức độ trung thành của khách hàng, marketer có thể xem xét customer lifetime value (CLV) – giá trị vòng đời khách hàng, là giá trị khách hàng đem lại cho doanh nghiệp trong suốt vòng đời của họ. 

Giá trị vòng đời khách hàng thể hiện sự trung thành của khách hàng với doanh nghiệp. Chỉ số này càng trở nên quan trọng hơn khi việc thu hút và thuyết phục khách hàng mới ngày càng khó khăn và tốn kém.

Tổng kết

Việc áp dụng mô hình 5M trong hoạt động marketing giúp marketer xác định kế hoạch thực thi marketing rõ ràng, bài bản thông qua 5 yếu tố quan trọng bao gồm mục tiêu, ngân sách, phương tiện truyền thông, thông điệp, đánh giá hiệu quả. Đây là kim chỉ nam để định hướng hoạt động marketing, tăng khả năng thành công và tối ưu hiệu quả của chiến dịch, góp phần giúp doanh nghiệp tăng trưởng. 

Với những phân tích chi tiết về mô hình 5M và cách áp dụng vào hoạt động marketing, hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho quý độc giả. 

 

4.6/5 - (1923 bình chọn)