Game hóa – Xu hướng tích hợp trò chơi vào chiến lược marketing đang ngày càng phổ biến và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Các chiến dịch như trò chơi Lắc Xì của Momo thu hút hơn 7 triệu người tham gia sau 6 năm triển khai, và trải nghiệm ELF Up! trên Roblox, thu hút hơn 13 triệu lượt truy cập sau gần 1 năm ra mắt, đã chứng minh hiệu quả của việc game hóa trong quảng bá thương hiệu.
Game hóa không chỉ giúp các thương hiệu nổi bật giữa đám đông mà còn tạo ra sự tương tác mạnh mẽ và gắn kết với khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi thường xuyên tiếp xúc và sử dụng công nghệ. Hãy cùng Minh Duy Solutions khám phá xu hướng Gamification thông qua bài viết sau!
Xu hướng Game hóa (Gamification) trong chiến lược marketing
Gamification (Game hoá) là một trong những chiến lược truyền thông thường xuyên được các thương hiệu áp dụng để thu hút người tiêu dùng. Game hóa áp dụng các yếu tố trò chơi vào các hoạt động không phải là trò chơi nhằm tạo ra sự hứng thú và động lực cho người tham gia. Trong lĩnh vực quảng cáo, Gamification không chỉ giúp thu hút sự chú ý của khách hàng mà còn tạo ra sự tương tác, gắn kết mạnh mẽ hơn với thương hiệu. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khi các thương hiệu phải tìm kiếm những cách tiếp cận mới mẻ để nổi bật giữa đám đông.
Theo báo cáo Shopper Preference Report 2022, 50% người dùng tham gia vào các trò chơi trong khi mua sắm là họ muốn lấy được những voucher giảm giá và mong muốn được nhận quà từ thương hiệu. Ngoài ra, 22% người mong muốn được kết nối với thương hiệu. Chính vì thế, Gamification là một trong những chiến lược được nhiều thương hiệu ưa chuộng.
Các thương hiệu không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo ra những trò chơi tích hợp với ứng dụng hoặc tạo ra những trò chơi chỉ chơi được trên điện thoại và laptop. Hiện nay, họ còn tiến thêm một bước khi đưa sản phẩm của mình vào các trò chơi điện tử hoặc tạo ra những trò chơi vật lý đi kèm với sản phẩm được bán ra. Việc tích hợp này không chỉ nhằm mục đích thu hút thêm nhiều người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm mà còn đặc biệt nhắm đến nhóm khách hàng trẻ tuổi, những người thường xuyên tiếp xúc và sử dụng công nghệ.
Nắm bắt xu hướng Game hóa (Gamification) trong chiến lược marketing
Hiện nay, các thương hiệu thường triển khai chiến lược game hoá của mình bằng cách tích hợp vào ứng dụng hay tạo một trang web riêng để người dùng có thể chơi thông qua các thiết bị thông minh. Hoặc các thương hiệu sẽ phát hành một bộ game riêng để người dùng có thể mua kèm cùng với sản phẩm.
Chiến lược triển khai trò chơi trên ứng dụng thường được dùng bởi những thương hiệu thuộc ngành nghề ví điện tử như Momo, VN Pay,… hay trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,… Những trò chơi này được thiết kế trực quan, dễ nhìn và hấp dẫn, tạo cảm giác hứng thú và thúc đẩy người dùng tương tác nhiều hơn với sản phẩm.
Ngoài ra, để trò chơi của mình không bị nhàm chán, các thương hiệu còn sẵn sàng đầu tư vào mặt hình ảnh và cốt truyện,.. Không những thế, họ còn chi ‘mạnh tay’ cho các chiến dịch quảng cáo để quảng bá cho trò chơi của mình. Nổi bật là chiến dịch ‘Lắc Xì’ của ví điện tử Momo trong dịp Tết Nguyên Đán. Bắt đầu từ năm 2019, chiến dịch này đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ và trở thành một phần không thể thiếu của các hoạt động quảng bá của Momo vào mỗi dịp Tết. Trong năm 2024, để tiếp tục duy trì và nâng cao sức hút của chiến dịch, Momo đã cho ra mắt MV ‘Vũ Trụ Lắc Xì’, một sản phẩm âm nhạc đặc biệt được viết lại lời từ bài hát nổi tiếng ‘Vũ Trụ Có Anh’ của nữ ca sĩ Phương Mỹ Chi.
Để trò chơi của mình trở nên đặc biệt hơn và có thể thu hút được nhiều khách hàng, Momo đã khéo léo lồng ghép các yếu tố hiện đại kết hợp với những yếu tố truyền thống như Cá Chép vượt Vũ Môn để hóa Rồng,… Đáng chú ý, MV ‘Vũ Trụ Lắc Xì’ còn được nhiều khán giả yêu mến bởi đây như một đoạn video wrapped up các xu hướng, sự kiện của năm 2023 vừa qua như: trà chanh giã tay, cà phê muối, Blackpink tổ chức concert tại Việt Nam,… Cũng chính vì sự đặc biệt của Momo mang đến cho người tiêu dùng, trò chơi đã thu hút được hơn 12 triệu người chơi và hơn 300 triệu lượt Lắc Xì sau khi chiến dịch được triển khai.
Bên cạnh những trò chơi mỗi dịp lại lên như Lắc Xì của Momo, những trò chơi cố định được các thương hiệu triển khai cũng được người tiêu dùng yêu thích và theo dõi. Điển hình là các trò chơi của sàn thương mại điện tử Shopee, bao gồm: Vòng quay Freeship, Nông trại Shopee, Shopee đập kẹo, Shopee thú cưng và nhiều trò chơi khác. Đa số, những trò chơi này sẽ giúp cho người chơi nhận được Xu, Voucher giảm giá và các Voucher Freeship.
Có thể thấy, các thương hiệu phát triển trò chơi tích hợp vào ứng dụng được thiết kế với giao diện đơn giản, cách chơi không quá phức tạp và phần thưởng được nhận về có giá trị cao nên mới có thể thu hút được một lượng lớn người dùng tham gia.
Ngược lại, chiến lược phát hành trò chơi vật lý đi kèm với sản phẩm thường được áp dụng bởi các thương hiệu thuộc ngành hàng dành cho trẻ em hoặc các sản phẩm hướng đến đối tượng khách hàng nhỏ tuổi. Những bộ trò chơi này không chỉ giúp tăng cường sự tương tác giữa trẻ em và sản phẩm mà còn tạo nên sự gắn kết tình cảm với thương hiệu, thu hút được các bậc phụ huynh tin dùng sản phẩm.
McDonald’s là một trong những thương hiệu nổi tiếng với việc triển khai những trò chơi vật lý được tích hợp trong phần ăn Happy Meal. Theo số liệu từ trang Enterprise Apps Today, cứ mỗi 5 đơn hàng tại McDonald’s là có 1 đơn hàng gọi phần ăn Happy Meal. Chứng tỏ phần ăn kèm đồ chơi đặc biệt này của McDonald’s được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Happy Meal của McDonald’s thường thay đổi đồ chơi khoảng mỗi 4 đến 6 tuần một lần. Tần suất này có thể thay đổi tùy thuộc vào chiến lược marketing của từng thị trường và sự hợp tác với các thương hiệu, bộ phim hoặc chương trình truyền hình cụ thể. Đáng chú ý, đồ chơi của tháng 7/2024 là những chú Minions trong bộ phim hoạt hình Despicable Me 4 vừa được công chiếu vào đầu tháng. Ngoài ra, Happy Meal từng hợp tác với những bộ phim hoạt hình khác như Frozen, Pokémon, Inside Out,… để cho ra những phần ăn kèm những món đồ chơi mô hình nhân vật độc đáo.
Happy Meal không chỉ đơn thuần là một phần ăn mà còn là một chiến lược marketing tinh vi của McDonald’s nhằm thu hút đối tượng khách hàng trẻ em và gia đình. Sự kết hợp giữa thực phẩm và đồ chơi tạo nên một trải nghiệm độc đáo, khiến trẻ em háo hức và mong đợi mỗi lần được thưởng thức Happy Meal. Điều này không chỉ giúp tăng doanh số bán hàng mà còn xây dựng một mối quan hệ lâu dài với khách hàng từ khi họ còn nhỏ.
Những món đồ chơi vật lý đi kèm với sản phẩm không chỉ mang lại sự giải trí cho trẻ em mà còn có giá trị giáo dục cao. Tháng 6 vừa qua, thương hiệu chăm sóc sức khỏe răng miệng P/S đã cho ra mắt bộ sản phẩm mới mang tên “Hộp Game P/S Play”. Theo thông tin từ P/S, bộ sản phẩm này được thiết kế để kết hợp giữa học tập và chơi đùa, với mục tiêu làm cho việc nhắc nhở trẻ em đánh răng trở nên thú vị hơn cho cả phụ huynh và các bé.
Bên trong hộp P/S Play, người dùng sẽ tìm thấy ba tuýp kem đánh răng P/S, ba bàn chải P/S và một quyển sổ hướng dẫn. Sổ hướng dẫn này giới thiệu chế độ game mới có tên “Bảo vệ đảo rồng”, nhằm khuyến khích trẻ em duy trì thói quen đánh răng đều đặn thông qua trò chơi.
Ngoài xu hướng tự triển khai trò chơi trên ứng dụng hoặc khai thác các trò chơi vật lý thì các thương hiệu còn mang những sản phẩm của họ vào trò chơi, biến những sản phẩm thành vật dụng trong trò chơi. Xu hướng này thường được các thương hiệu của mặt hàng thời trang, mỹ phẩm ưa chuộng và trò chơi mà họ tin tưởng đưa sản phẩm của mình lên đó chính là Roblox – một nền tảng trò chơi điện tử trực tuyến cho phép người dùng tạo, chia sẻ và chơi các trò chơi do chính họ phát triển.
Năm 2021, thương hiệu thời trang xa xỉ – Gucci đã gia nhập đường đua game hoá, đưa các sản phẩm của mình vào trong trò chơi. Thương hiệu thiết kế bộ sưu tập dành riêng cho Roblox, người chơi có thể mua với giá chỉ từ 1.20 – 9 USD (tương đương từ 30 – 230 nghìn đồng) và các món đồ này được ẩn trong Vườn Gucci. Trải nghiệm này sẽ giúp phân khúc khách hàng chính của Roblox, trẻ em từ 9 – 15 tuổi, “tận hưởng” những mặt hàng xa xỉ mà không phải ai cũng có thể tiếp cận trong thế giới thực.
Ông Marco Bizzarri – Cựu CEO của Gucci chia sẻ: “Không ai biết được ngành công nghiệp này sẽ thay đổi như thế nào trong 10 năm tới. Chúng tôi muốn bắt đầu trước mọi người để đuổi kịp tốc độ này. Dĩ nhiên hiện tại bước tiến này chưa đem đến nhiều công việc. Tuy nhiên đó có thể là mảng kinh doanh chính trong tương lai.”
Nhận thấy được tiềm năng phát triển trong thế giới ảo, đặc biệt là trên nền tảng Roblox, nhiều thương hiệu cũng bắt đầu gia nhập cuộc đua như ELF Cosmetics, adidas,… Kory Marchisotto – Giám đốc Tiếp thị của elf Beauty cho biết: “Cộng đồng của chúng tôi đã yêu cầu chúng tôi xuất hiện trên Roblox. Đây là một phần trong hành trình phá vỡ các chuẩn mực, định hình văn hóa và kết nối cộng đồng thông qua sự tích cực, tính bao hàm và khả năng tiếp cận”.
Đáng chú ý, vào đầu tháng 7/2024, Versace – thương hiệu thời trang cao cấp đến từ Ý, đã tích hợp đôi giày Mercury của mình vào tựa game Fortnite – trò chơi sinh tồn phối hợp. Người chơi không chỉ có cơ hội giải trí mà còn trải nghiệm đôi giày mới trong một bản đồ độc quyền. Trong bản đồ này, họ có thể khám phá một khu vực khai thác khảo cổ và tham gia cuộc thi tìm kiếm đôi giày – một kho báu kỹ thuật số đem lại các phần thưởng đặc biệt trong trò chơi.
Kết quả của xu hướng Game hóa (Gamification) trong chiến lược marketing
Xu hướng tích hợp trò chơi vào các chiến dịch quảng cáo không chỉ giúp các thương hiệu thu hút sự chú ý của người tiêu dùng mà còn tạo ra những kênh giao tiếp mới, gắn kết và tương tác mạnh mẽ hơn. Game hóa áp dụng các yếu tố trò chơi vào các hoạt động không phải trò chơi, mang lại sự hứng thú và động lực cho người tham gia. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chiến lược này đặc biệt quan trọng, giúp các thương hiệu nổi bật giữa đám đông và tạo dựng lòng trung thành từ khách hàng.
Chiến lược game hóa đã được nhiều thương hiệu áp dụng thành công, từ việc sáng tạo ra các trò chơi tích hợp trong ứng dụng cho đến phát hành các bộ trò chơi vật lý đi kèm sản phẩm. Những ví dụ tiêu biểu như Momo với trò chơi Lắc Xì hay McDonald’s với phần ăn Happy Meals đi kèm đồ chơi đã chứng minh hiệu quả vượt trội của chiến lược này trong việc giữ chân khách hàng và thu hút người tiêu dùng mới.
Đáng chú ý, ví điện tử Momo với trò chơi Lắc Xì được triển khai hàng năm và đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể qua mỗi mùa. Từ 11 triệu người chơi vào năm 2021, con số này đã tăng lên hơn 12 triệu người chơi trong năm 2024, thể hiện rõ ràng sức hút của trò chơi này đối với người tiêu dùng.
Các thương hiệu thời trang và mỹ phẩm như Gucci, Versace, ELF Cosmetics, và adidas đã đưa sản phẩm của mình vào nền tảng trò chơi Roblox và Fortnite, tạo ra những trải nghiệm độc đáo và thú vị cho người chơi. Những chiến dịch này không chỉ giúp các thương hiệu tiếp cận đối tượng mục tiêu một cách hiệu quả mà còn tạo ra những giá trị tương tác cao, thúc đẩy người tiêu dùng khám phá và sử dụng sản phẩm.
Trải nghiệm Gucci Garden trên Roblox đạt được hơn 20 triệu người ghé thăm sau 2 tuần triển khai và Gucci cũng chính là thương hiệu đầu tiên tiên phong đưa sản phẩm của mình vào game. Sau đó, Gucci lại tiếp tục triển khai chiến dịch Gucci Town và đạt được hơn 40 triệu lượt ghé thăm và hơn 900 nghìn sản phẩm bán ra chỉ sau 3 tuần.
Bên cạnh đó, trải nghiệm “ELF Up!” của thương hiệu đã thu hút hơn 13 triệu lượt truy cập kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2023. NKhi thương mại điện tử phải đối mặt với những thách thức riêng, do cơ sở hạ tầng lỗi thời và lòng trung thành của người tiêu dùng đang giảm sút, thì sự gia nhập của Roblox vào không gian này hướng đến một tương lai hấp dẫn và tương tác hơn cho mua sắm trực tuyến.
Brad Timmins – nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của eGEN, một công ty game và thể thao điện tử, cho biết: “Kể từ khi elf gia nhập cộng đồng game thủ, họ luôn đi đầu với mục đích biến không gian này trở thành một nơi tốt hơn, an toàn hơn và nâng cao tinh thần hơn cho mọi loại game thủ, bất kể giới tính hay xuất thân của họ”.
Tuy nhiên, khi ngày càng nhiều nhãn hiệu tham gia vào xu hướng game hóa, sự kỳ vọng của người tiêu dùng cũng trở nên cao hơn. Việc lựa chọn kênh trò chơi để hợp tác có thể ảnh hưởng sâu rộng đến hiệu quả của chiến dịch quảng bá. Kênh trò chơi không chỉ cần phải phù hợp với hình ảnh và giá trị của thương hiệu mà còn phải đáp ứng được nhu cầu và sở thích của đối tượng mục tiêu. Nếu lựa chọn không phù hợp, chiến dịch có thể không đạt được kết quả mong muốn và gây thất vọng cho người tiêu dùng. Do đó, các thương hiệu cần cân nhắc kỹ lưỡng và nghiên cứu sâu về trò chơi để đảm bảo rằng chiến lược game hóa của họ không chỉ thu hút sự chú ý mà còn mang lại giá trị thực sự cho người tiêu dùng.
Trong tương lai, xu hướng tích hợp trò chơi vào chiến lược marketing hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho các thương hiệu. Để thành công, các thương hiệu cần không ngừng sáng tạo, nắm bắt xu hướng và tìm ra những cách tiếp cận mới mẻ, thú vị để gắn kết và tương tác với khách hàng. Chỉ có như vậy, họ mới có thể giữ vững vị thế cạnh tranh và tạo dựng lòng trung thành từ người tiêu dùng trong thế giới ngày càng số hóa hiện nay.
Nguồn: Advertising Vietnam