Trade Marketing là gì? Khái niệm, Vai trò và Đối tượng

Trade Marketing là gì? Khái niệm, Vai trò và Đối tượng

Khi hỏi những bạn sinh viên, người đang đi làm, ta có thể nhận được những câu trả lời như: Trade marketing là những hoạt động khuyến mãi, tặng sản phẩm, giảm giá, hoạt náo tại điểm bán, hội nghị khách hàng, phân phối,… Đó là những câu trả lời đúng, tuy nhiên vẫn chưa đủ.

Trade Marketing là gì? Khái niệm, Vai trò và Đối tượng
Trade marketing là gì

Trade Marketing là gì?

Trade Marketing là một chuỗi các hoạt động nhằm: tổ chức, xây dựng chiến lược ngành hàng và chiến lược thương hiệu trong hệ thống kênh phân phối. Thông qua sự thấu hiểu người mua hàng (shopper) và khách hàng của công ty (customer) – mà cụ thể là các đối tác phân phối, nhà bán sỉ, nhà bán lẻ và các khách hàng trọng điểm, để đạt được các chỉ tiêu về tăng doanh số, thị phần và lợi nhuận không những cho công ty mà còn cho khách hàng.

Nói cách khác, Trade Marketing là hoạt động thương mại hóa chiến lược Marketing, biến các hoạt động Marketing trở thành những hoạt động mang tính chất thương mại. Tức là, bạn đầu tư tiền vào các hoạt động Marketing, thì bạn sẽ thu ngay nguồn tiền về trên thị trường.

Khác biệt giữa Trade Marketing và Brand Marketing

Căn bản nhất, Brand Marketing là những hoạt động thường tập trung vào người tiêu dùng (consumers). Ví dụ như: quảng cáo TVC, tổ chức sự kiện, PR, digital,…

Trong khi đó, Trade Marketing lại thực hiện những hoạt động liên quan đến Shoppers (người mua hàng) như khuyến mãi sản phẩm, giảm giá, trưng bày,….

Nói cách khác, Brand Marketing sẽ thực hiện các chiến dịch nhằm chiếm lấy tâm trí người tiêu dùng (Win In Mind), còn Trade Marketing sẽ là những công việc giúp nhãn hàng chiến thắng tại điểm bán (Win In Store).

Trade Marketing là gì? Khái niệm, Vai trò và Đối tượng
Win in mind and win in store

Các đối tượng của Trade Marketing

Trade Marketing là gì? Khái niệm, Vai trò và Đối tượng
Các đối tượng của Trade Marketing (Nguồn: Brandcamp)

Để hiểu rõ hơn về Trade Marketing, các bạn cần phải nắm được những khái niệm người tiêu dùng, người mua hàng, khách hàng của công ty. Nếu đối tượng chính của Brand Marketing là Consumers, thì với Trade Marketing chính là Shoppers và các đối tác lớn nhỏ trong hệ thống phân phối (khách hàng – Customer). 

Tương tác giữa công ty và người tiêu dùng là Brand Marketing, công ty và khách hàng được gọi là Customer Marketing (hoạt động thúc đẩy mua hàng, phân phối, khuyến mãi, giảm giá, thi đua bán hàng,…), các hoạt động giữa khách hàng và người tiêu dùng là Shopper Marketing (thúc đẩy người mua hàng trong cửa hiệu như trưng bày, hoạt náo,…).

Như vậy Trade Marketing sẽ đảm đương 2 nhiệm vụ là Consumer Marketing và Shopper Marketing. Và điểm bán POP (point of purchase) là nơi tập trung các hoạt động tổng thể của marketing dẫn dến quyết định mua hàng cuối cùng.

Phân biệt người tiêu dùng và người mua hàng

Người tiêu dùng (consumers) là người sử dụng sản phẩm cuối cùng, còn người mua hàng (shoppers) là người đưa ra quyết định tại điểm bán. Tuy nhiên, không hẳn người mua hàng là người sử dụng sản phẩm cuối cùng.

Ví dụ như mẹ mua sữa trong siêu thị cho con, thì mẹ là shopper – người đưa ra quyết định mua hàng, còn con mới là consumer – người sử dụng sản phẩm cuối cùng.

Trade Marketing là gì? Khái niệm, Vai trò và Đối tượng
Người mẹ là shopper – người đưa ra quyết định mua hàng, còn con mới là consumer – người sử dụng sản phẩm cuối cùng.

Tâm lý của người mua hàng bên trong và ngoài cửa hiệu rất khác nhau. Trước khi vào điểm bán, họ bị ảnh hưởng bởi các hoạt động truyền thông, định vị thương hiệu. Tuy nhiên khi vào điểm bán, họ có thể thay đổi quyết định vì những hoạt động giảm giá, trưng bày. Và đó chính là vai trò tác động của Trade Marketing.

Nhu cầu nhân lực Trade Marketing tại thị trường Việt Nam

75% quyết định mua hàng được thực hiện tại điểm bán, 35% khách hàng sẵn sàng thay đổi lựa chọn của mình dưới các yếu tố tác động trong cửa hàng. Bên cạnh các cửa hàng/đại lý tạp hóa, cùng với dòng chảy phát triển đô thị, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quen thuộc với loại hình cửa hàng tiện lợi, hơn 1,000,000 điểm bán được mở ra và ngày càng xuất hiện nhiều loại hình bán lẻ với đòi hỏi cao hơn. Tất cả những con số đó nói lên một thực tế không thể phủ định: Việt Nam bây giờ đang là “vùng đất màu mỡ” để Trade Marketing phát triển.

Đặc biệt, với các mặt hàng có tính cạnh tranh cao như hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), việc thương hiệu xuất hiện ở khắp mọi nơi xung quanh người tiêu dùng một cách thu hút chính là “chìa khóa thành công” trước đối thủ cùng ngành. Tuy nhiên, nhu cầu lớn, liệu có đồng nghĩa với yêu cầu nhân lực chất lượng thấp hay không?

Trade Marketing cho đến thời điểm hiện tại đã không còn là một ngành quá mới lạ tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng cơ sở đào tạo chuyên sâu thì lại hạn chế, và nguồn nhân lực chính vẫn xuất phát từ chuyên ngành Marketing hoặc khối ngành kinh tế – kinh doanh. Với những điều kiện và nhu cầu đó, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể nhận bạn vào công ty với vị trí thực tập sinh và đào tạo bạn lại từ đầu. Dù vậy, trade vốn là một lĩnh vực cạnh tranh thực tế trên con số tiêu thụ, thế nên, nếu bạn muốn tồn tại và thăng tiến xa hơn trong sự nghiệp, thị bản thân bạn cần luôn nỗ lực “lớn lên”. Khi bạn dậm chân tại chỗ, đến một lúc nào đó, thực tế cạnh tranh sẽ tự động “đào thải” bạn. Bạn có thể hình dung rõ hơn về thực tế tuyển dụng Trade Marketing bằng cách tìm kiếm tin tuyển dụng trên các trang tìm việc. Từ đó, bức tranh về con đường sự nghiệp của bạn sẽ được phác họa rõ ràng và cụ thể hơn.

Tạm kết

Có thể nói rằng, Trade Marketing là “tai mắt”, “vũ khí”, công cụ nuôi dưỡng sự phát triển của quá trình phân phối và tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Bạn có muốn trở thành một Trade Marketer? Truy cập ngay link dưới đây để tìm hiểu xem các Nhà tuyển dụng đang thực sự mong muốn các kỹ năng gì ở Nhân viên Trade Marketing. Càng sở hữu nhiều kỹ năng, tố chất mà HR yêu cầu, bạn càng có nhiều cơ hội chiến thắng trong “cuộc chiến” tuyển dụng.

Nguồn: Brandcamp

 

5/5 - (104 bình chọn)