Trong đề xuất mới nhất, DOJ yêu cầu Google bán trình duyệt Chrome nhằm phá vỡ sự thống trị của công ty trong ngành công cụ tìm kiếm. Rõ ràng Google không thể chấp nhận điều này khi bày tỏ sự không hài lòng và nhấn mạnh rằng quyết định như vậy có thể gây tổn hại lớn đến người tiêu dùng và các nhà phát triển.
Google bán Chrome có thể thay đổi đáng kể ngành công nghiệp tìm kiếm
Việc DOJ thúc đẩy Google bán Chrome được coi là một bước đi quan trọng có thể thay đổi đáng kể ngành công nghiệp công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, các quy định này được xem là cần thiết để duy trì sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường công nghệ.
Không chỉ Google, Apple cũng đang phải đối mặt với các cáo buộc về hành vi độc quyền và gần đây đã đệ đơn xin bác bỏ một vụ kiện tương tự. Tuy nhiên khác với Apple, Google đã không kiềm chế được sự tức giận của mình và liên tục chỉ trích các đề xuất của DOJ. Một lãnh đạo công ty là Lee-Anne Mulholland đã bày tỏ sự thất vọng trước đề xuất này và cho rằng “nó vượt quá phạm vi pháp lý”.
Mulholland cho biết chính phủ Mỹ đang can thiệp vào ngành công nghệ, điều này có thể gây hại cho người tiêu dùng, các nhà phát triển và lãnh đạo công nghệ vào thời điểm nhạy cảm. Theo ông, DOJ tiếp tục theo đuổi một chương trình nghị sự cấp tiến, vượt ra ngoài các vấn đề pháp lý hiện tại.
Google đã cảnh báo rằng việc bán trình duyệt Chrome cho bên thứ ba có thể làm giảm tính bảo mật của sản phẩm. Việc này sẽ khiến cho việc triển khai các bản sửa lỗi trở nên khó khăn hơn do bên thứ ba sẽ đảm nhận việc quản lý trình duyệt. Mặc dù Chrome đã được xác định là trình duyệt dễ bị tấn công nhất vào năm 2022, điều này không có nghĩa là nó không an toàn. Thực tế, sự phổ biến của Chrome khiến nó trở thành mục tiêu chính cho tin tặc.
Google cũng rất thận trọng trong việc báo cáo các lỗ hổng và phát hành bản sửa lỗi bảo mật. Nếu Chrome được chuyển nhượng cho bên thứ ba, không có gì đảm bảo rằng mức độ bảo mật hiện tại sẽ được duy trì. Điều này có thể dẫn đến những rủi ro liên quan đến quyền riêng tư dữ liệu người dùng và ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của trình duyệt.
Mặc dù chưa thể dự đoán chính xác những diễn biến tiếp theo nhưng rõ ràng rằng quyết định này sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong ngành công nghệ.
Giới phân tích dự đoán khả năng Alphabet sẽ phải chia tách công ty sau phán quyết. “Việc tách bạch kinh doanh tìm kiếm sẽ cắt Alphabet khỏi nguồn doanh thu lớn nhất đang có. Việc mất khả năng ký kết thỏa thuận mặc định độc quyền cũng có thể gây tổn hại cho họ”, nhà phân tích Evelyn Mitchell-Wolf của Emarketer nói với Reuters.
Theo CNN, nếu việc chia tách xảy ra, đây sẽ là phán quyết chống độc quyền lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ kể từ cuộc đối đầu giữa chính phủ Mỹ và Microsoft cuối thiên niên kỷ trước. Dù kết quả cuối cùng thế nào, nó có thể tạo ra tiền lệ nhằm vào các tập đoàn công nghệ tương tự.
Chrome hiện chiếm khoảng 65% thị phần trình duyệt web internet toàn cầu.