Với tư cách là người làm marketing hay content marketing, bạn đã bao giờ tự hỏi, tại sao khách hàng lại chủ động tìm đến và tương tác với thương hiệu, các hoạt động content marketing chính là một nguồn gốc của điều này.
Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực marketing đủ lâu hay đơn giản là bạn thường xuyên cập nhật các tin tức marketing, “Content is King” hẳn là câu nói không mấy xa lạ với bạn.
Đến thời điểm hiện tại, dưới sự phát triển mạnh mẽ của các yếu tố công nghệ, khi các cách thức tiếp cận marketing cũng thay đổi ít nhiều, nhận định này vẫn chưa hề mất đi giá trị, dù cho bạn đang kinh doanh trong lĩnh vực nào, dù là online hay offline, khách hàng của bạn vẫn cần thứ gọi là nội dung (content) trước bất kỳ hành động nào.
Tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp khác nhau, ngành hàng khác nhau, hay đối tượng mục tiêu khác nhau, bạn có thể lựa chọn các kiểu nội dung khác nhau, đó có thể là video, hình ảnh, bài viết, ebook, whitepapers, khảo sát, PR, infographics hay các bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội.
Hiện tại, ngoài các công cụ tìm kiếm như Google hay Bing, với hơn 5 tỷ người dùng toàn cầu, các nền tảng mạng xã hội trở thành nơi người dùng tìm đến để tìm kiếm thông tin, nghiên cứu về thương hiệu và hơn thế nữa, đây chính là lúc các hoạt động content marketing hay tiếp thị nội dung thể hiện giá trị của nó.
Với các thương hiệu có thể cung cấp những nội dung phù hợp với người dùng, là những thứ mà người dùng liên tục tìm kiếm để ra các quyết định mua hàng (hay kể cả các nội dung giải trí), như là một lẽ thường tình, thương hiệu trở thành một nguồn cấp nội dung đáng tin cậy, đây chính là nguồn gốc của các tương tác chủ động sau đó.
Để có thể tối đa hoá giá trị mà nội dung hay các hoạt động tiếp thị nội dung có thể mang lại, dưới đây là những gì bạn có thể tham khảo.
Xác định đối tượng mục tiêu.
Cũng tương tự như bất cứ hoạt động marketing nào khác, công việc đầu tiên cần làm đó là xác định nhóm đối tượng mục tiêu hay khách hàng tiềm năng của thương hiệu, những người có khả năng mua hàng hay ít nhất là có ảnh hưởng đến các quyết định mua hàng.
Một khi đã có thể xác định đúng nhóm người dùng mà thương hiệu cần chinh phục, các nội dung được sản xuất và phân phối sau đó mới phát huy được tác dụng.
Thấu hiểu đối tượng mục tiêu.
Khi nhắc đến khái niệm thấu hiểu đối tượng mục tiêu, insight có lẽ là một trong những từ khoá mà bạn không thể không hiểu.
Với từng nhóm đối tượng khác nhau, rõ ràng là họ quan tâm hay ưu tiên đến những thứ khác nhau, dù đó là liên quan đến yếu tố giá cả, mẫu mã sản phẩm hay cách làm nội dung của thương hiệu.
Khám phá các điểm đam mê (Passion Point) của khách hàng cũng là một con đường khác của quá trình này.
Nhiệm vụ của các marketer khi này là tìm hiểu xem đâu là những thứ mà khách hàng thích, không thích, ưu tiên hay không ưu tiên hay đâu là những điểm hấp dẫn giúp họ sau đó có thể chủ động tương tác lại với thương hiệu.
Liên quan đến các sản phẩm hay dịch vụ mà thương hiệu cung cấp, bạn cũng cần tìm hiểu xem khách hàng mục tiêu của mình đang nhìn nhận và kỳ vọng về nó như thế nào, hay nếu so sánh với các sản phẩm tương tự khác của đối thủ, nó có điểm mạnh, điểm yếu ra sao, một bản phân tích ma trận SWOT có thể khả dụng với bạn.
Xây dựng chiến lược content marketing.
Bước tiếp theo bạn cần làm đó là hoàn thành sơ đồ chiến lược của mình. Xác định cách bạn sẽ đo lường ROI từ các chiến dịch. Liên tục phản chiếu các nội dung tới nhóm đối tượng mục tiêu đã được xác định trước đó.
Với các nội dung có được, sau khi đã xác định tần suất mà nó sẽ cần được hiển thị tới khách hàng, bạn bắt đầu quá trình phân phối để đạt được lượng tiếp cận kỳ vọng.
Vì Content Marketing hay tiếp thị nội dung là một quá trình tương tác tích cực liên tục và xây dựng mối quan hệ trong lâu dài, lặp lại quá trình nói trên cũng nên là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược.
Kết quả của quá trình này là khách hàng sẽ coi thương hiệu là một nguồn tin đáng tin cậy, nơi họ có thể tìm đến để không chỉ tương tác mà còn là để nghiên cứu và đánh giá.
Hãy suy nghĩ như là một người dùng, đóng vai người dùng thay vì là người làm marketing.
Một trong những “điểm đen” của không ít người làm marketing đó là họ “nghĩ thay” cho khách hàng của họ.
Hãy tự hỏi bản thân là tại sao khách hàng mục tiêu hay người dùng nên xem nội dung của bạn, nó khác biệt và hữu ích như thế nào, hay nói cách khác, nó giúp giải quyết rào cản hay nỗi đau nào của khách hàng.
Liên tục đo lường và tối ưu.
Một khi các nội dung đã được triển khai, một trong những yếu tố cũng quan trọng không kém ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của chiến dịch đó là việc đo lường hiệu suất.
Nếu bạn không đo lường kết quả của các nỗ lực content marketing của mình, bạn không những không thể xác định những tác động mà nó có thể mang lại, mà còn đánh mất đi các cơ hội cải thiện và tối ưu khác.
Bằng cách phân tích các dữ liệu như tỷ lệ nhấp chuột, lượng khách hàng truy cập duy nhất (unique traffic), thời gian trên trang, lượt thích, chia sẻ và đăng ký, tỷ lệ thoát, hay tỷ lệ chuyển đổi, bạn sẽ có thể đưa ra các quyết định sáng suốt hơn về cái gì hiệu quả và cái gì không, cái gì cần ưu tiên và cái gì nên loại bỏ.
Cũng tương tự như bất kỳ phương thức marketing nào, content marketing cũng đòi hỏi cách tiếp cận và suy nghĩ nhất quán nếu muốn đạt được các kết quả mong muốn.
Nguồn: Marketing Trips