Nhiều thương hiệu đang quay lại với chiến lược tiếp thị trải nghiệm khi người tiêu dùng ngày càng mệt mỏi với quảng cáo kỹ thuật số và mất lòng tin vào các nền tảng trực tuyến. Cách tiếp cận này tập trung vào việc tạo ra những kết nối trực tiếp và chân thực với người tiêu dùng để xây dựng lòng trung thành sâu sắc và bền vững.
Tiếp thị trải nghiệm là gì?
Tiếp thị trải nghiệm (hay Experiential Marketing) là một thủ thuật trong Marketing nhằm thiết lập sự tương tác, trải nghiệm giữa khách hàng với thương hiệu. Marketing trải nghiệm thường sử dụng marketing activation để kích hoạt thương hiệu, đưa sản phẩm tới trực tiếp khách hàng.
Khách hàng có thể tự mình trải nghiệm những tính năng của sản phẩm, hoặc khám phá những khía cạnh thú vị về sản phẩm thông qua các sự kiện, hoạt động được tổ chức bởi doanh nghiệp.
Lợi ích của tiếp thị trải nghiệm
Experiential Marketing – tiếp thị trải nghiệm đem lại cho doanh nghiệp những lợi ích khó thể chối từ. Thông điệp mà doanh nghiệp muốn truyền tải chắc chắn sẽ có nhiều tác dụng hơn, nếu khách hàng được tự mình trực tiếp cầm nắm, dùng thử và trải nghiệm sản phẩm / dịch vụ. Điều này xem ra hiệu quả hơn vạn lần việc đơn giản chỉ là chạy quảng cáo Facebook, hay mua spot TVC trên truyền hình.
Về cơ bản, marketing trải nghiệm cũng là một hình thức giúp doanh nghiệp nâng cao trải nghiệm của khách hàng qua các điểm chạm.
Marketing trải nghiệm cũng tiềm ẩn một vài rủi ro trong quá trình triển khai. Có thể kể đến ở đây là: Ngân sách Marketing lớn, xảy ra những sự cố ngoài ý muốn, khách hàng không may có những trải nghiệm tiêu cực,…
Tuy nhiên, những lợi ích mà Marketing trải nghiệm đem lại cho doanh nghiệp lớn hơn nhiều những điểm bất cập. Những rủi ro khi gặp hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu doanh nghiệp xây dựng kế hoạch Marketing chỉnh chu, thông điệp rõ ràng, và tổ chức sự kiện quy củ.
Bài học từ những chiến dịch tiếp thị trải nghiệm thành công của Dove, IKEA và Moutain Dew
Người dùng trung bình tiếp xúc với hàng nghìn quảng cáo mỗi ngày qua điện thoại di động, nhưng hầu hết đều bị lãng quên gần như ngay lập tức. Theo Ray Sheehan, nhà sáng lập Old City Media, điều mà người tiêu dùng thực sự mong muốn là trải nghiệm chân thực từ những thương hiệu mà họ yêu thích. Những tương tác trực tiếp và hữu hình, đặc biệt khi gắn với cảm xúc tích cực, không chỉ giúp thương hiệu được ghi nhớ mà còn tạo ra những mối liên hệ thực sự với khách hàng.
Cụ thể, Dove đã sử dụng chiến dịch “Real Beauty Sketches” để tạo kết nối cảm xúc sâu sắc với phụ nữ toàn cầu. Bằng cách mời họa sĩ pháp y vẽ chân dung dựa trên mô tả của chính các phụ nữ và mô tả từ người khác, Dove đã làm nổi bật sự khác biệt giữa cách phụ nữ tự nhìn nhận và cách người khác nhìn họ. Kết quả đầy cảm xúc này không chỉ khuyến khích phụ nữ trân trọng vẻ đẹp tự nhiên mà còn giúp chiến dịch lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, củng cố thông điệp nhân văn về sự tự tin và vẻ đẹp chân thật.
Một ví dụ nổi bật khác là IKEA, với chiến dịch tạo dựng một bức tường leo núi cao 9m, làm hoàn toàn từ nội thất của thương hiệu này, đặt tại trung tâm thành phố Clermont-Ferrand – một địa phương rất nổi tiếng với văn hóa thể thao của nước Pháp. Thiết kế độc đáo mô phỏng một ngôi nhà với các khu vực như phòng ngủ, phòng khách, bếp và nhà vệ sinh, nhấn mạnh thông điệp rằng IKEA có thể đồng hành cùng khách hàng trong mọi không gian sống.
Bất chấp sự hấp dẫn của quảng cáo kỹ thuật số, bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra các tương tác trực tiếp, đặc biệt với thế hệ người tiêu dùng lớn tuổi, khi họ coi trọng sự kết nối cá nhân. Mountain Dew đã thực hiện chiến dịch Energy Roadshow tại Anh, nơi chiếc xe tải của họ di chuyển khắp nơi để tổ chức phân phát miễn phí sản phẩm dùng thử. Chiến dịch này đã mang lại tỷ suất lợi nhuận cao và thu hút được nhiều khách hàng mới, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp trải nghiệm thực tế cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, trong thời đại mà mọi người tìm kiếm những trải nghiệm độc quyền và được cá nhân hóa, các sự kiện nhỏ, được tuyển chọn kỹ lưỡng, đang trở thành xu hướng. Mike Morrow, sáng lập Public XP, nhấn mạnh rằng những buổi tụ họp thân mật kết hợp âm nhạc, không gian ấm cúng và dịch vụ đẳng cấp, đang thay thế các sự kiện lớn mang tính đại trà. Đối tượng khách hàng cao cấp, thường ở độ tuổi 50 trở lên, sẽ có xu hướng đánh giá cao chất lượng hơn số lượng và sẵn sàng đầu tư vào những trải nghiệm mang tính gắn kết sâu sắc.
Giữa bối cảnh một thế giới kỹ thuật số đầy những tương tác thoáng qua, tiếp thị trải nghiệm mang đến cơ hội để các thương hiệu nổi bật bằng cách tập trung vào tính chân thực và tương tác thực tế. Việc gặp gỡ người tiêu dùng tại các địa điểm họ yêu thích, tạo ra những trải nghiệm độc quyền hoặc tích hợp công nghệ thông minh để khuếch đại phạm vi tiếp cận, đều góp phần xây dựng mối quan hệ sâu sắc và lâu dài mà không phương pháp quảng cáo nào có thể sao chép.
Với những lợi thế vượt trội trong việc tạo ra kết nối ý nghĩa, tiếp thị trải nghiệm đang dần khẳng định vị thế là xu hướng dẫn đầu trong chiến lược tiếp thị của các thương hiệu, mở ra một kỷ nguyên mới của tương tác thương hiệu vào năm 2025.
Nguồn: Advertising Vietnam