Covid-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số lĩnh vực bán lẻ châu Á – Thái Bình Dương (APAC) khi thương mại điện tử thành hình thức mua sắm mặc định của nhiều người.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã liên tục thay đổi ngành bán lẻ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên tốc độ chuyển đổi số chỉ thực sự bứt phá khi có sự xuất hiện của đại dịch Covid-19.
Hình thức mua sắm online với sự lên ngôi của lĩnh vực thương mại điện tử khiến cho bản chất của ngành này có những biến động lớn, hầu hết là những thay đổi mang tính quyết định và lâu dài, buộc các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi để thích nghi nếu không muốn rơi vào tình trạng “nằm yên chờ chết”.
Mặt khác, sự bùng nổ thương mại điện tử do khủng hoảng gây ra mang lại nhiều thách thức và cơ hội mới cho các nhà bán lẻ và thương hiệu tiêu dùng.
Theo báo cáo của Euromonitor International, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Australia, được xem là nơi hội tụ các cường quốc thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị tuyệt đối toàn cầu.
Theo đó, Euromonitor International đã đưa ra những dự báo về ngành thương mại điện tử tại khu vực này trong giai đoạn 2020-2025.
Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu.
Thương mại điện tử khu vực này được giới chuyên gia đánh giá chiếm ưu thế với những cơ hội bứt tốc mạnh mẽ trong năm 2021 và hơn thế nữa.
Trên thực tế, việc gộp Australia vào châu Á – Thái Bình Dương sẽ giúp cụm này chiếm hơn 45% mức tăng trưởng giá trị tuyệt đối toàn cầu trong giai đoạn dự báo 2020-2025.
Theo đó, Euromonitor Internation dự đoán Trung Quốc tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực. Quốc gia đông dân nhất thế giới hiện sở hữu thị trường rộng lớn cùng tốc độ phát triển nhanh nhất ở châu Á – Thái Bình Dương và Australia.
Chỉ riêng thị trường này đã chiếm 64% mức tăng trưởng giá trị tuyệt đối tại đây vào năm 2020. Dự kiến nước này sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng hằng năm kép) là 7% về giá trị trong giai đoạn 2020-2025 và hơn 99 tỷ USD cơ hội ngành này chưa được đáp ứng.
Điện thoại thông minh thúc đẩy mua sắm trực tuyến.
Trong thời dịch, điện thoại di động và các thiết bị điện tử là thứ không thể thiếu và gần như gắn liền với mỗi người toàn thời gian.
Đây không chỉ là thiết bị liên lạc với bên ngoài trong thời gian giãn cách mà còn là phương tiện đáp ứng nhu cầu giải trí, cập nhật tin tức, tìm kiếm thông tin, làm việc, học tập, mua sắm và duy trì các nhu cầu thiết yếu khác.
Nhờ kích thước nhỏ gọn, smartphone được ưa chuộng và chọn thay thế cho máy tính bảng, laptop khi mua sắm trực tuyến.
Với sự phát triển của các kênh mua sắm kèm hình thức mới như livestream bán hàng, giải trí trực tuyến, show âm nhạc online… việc sử dụng điện thoại di động mua sắm dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn nữa trong tương lai, ngay cả trong thời bình thường mới.
Kỹ thuật số tiếp tục gây biến động các hoạt động thương mại điện tử.
Mô hình bán lẻ truyền thống của hầu hết các ngành hàng hiện có dấu hiệu “lão hóa” và dần lui về, nhường chỗ cho sự lên ngôi của các mô hình, kênh kinh doanh mới như đi chợ online, thương mại điện tử, dịch vụ sửa chữa tại nhà, tư vấn trực tuyến…
Trong đó, thương mại điện tử sẽ tiếp tục là xu hướng mới của thị trường, ít nhất là tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Australia.
Điểm mấu chốt để các thương hiệu và doanh nghiệp ngành bán lẻ sống sót và tìm lối thoát tăng trưởng trở lại mức trước đại dịch, hoặc thậm chí vượt xa những gì họ từng đạt được, là nhanh chóng cập nhật các xu thế này, đồng thời chú trọng tất cả khía cạnh của ngành bán lẻ.
Euromonitor International cũng chỉ ra rằng giải quyết những sai sót cơ bản trong thương mại điện tử là điều quan trọng giúp thúc đẩy tương lai của thị trường này.
Nhu cầu cũng như tiêu chuẩn người tiêu dùng châu Á – Thái Bình Dương và Australia đặt ra cho thương mại điện tử đã nâng cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước dịch.
Thay vì chỉ trông chờ vào chất lượng món hàng, giờ đây chất lượng dịch vụ, thời gian giao hàng, đóng gói bao bì, trải nghiệm mua hàng trên ứng dụng, website hay thậm chí cả chương trình ưu đãi, hậu mãi… cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng và tỷ lệ mua lại của người dùng.
Nhất là khi thị trường thương mại điện tử ngày càng khốc liệt, đông đúc các đối thủ cạnh tranh với nhiều chiến lược bứt phá mạnh mẽ, các doanh nghiệp lại càng cần chú trọng thay đổi và liên tục làm mới mình, nhưng vẫn phải đáp ứng những điều kiện cơ bản, trọng yếu.
Bên cạnh đó, yếu tố bảo mật dữ liệu và trải nghiệm mua sắm sẽ góp phần hoàn thiện, mang đến sự hài lòng cho người dùng, trở thành lợi thế cạnh tranh với các đối thủ nặng ký khác.