Chuyển đổi số – xu hướng thay đổi tất yếu trong cách mạng 4.0

Chuyển đổi số - xu hướng thay đổi tất yếu trong cách mạng 4.0

Cùng với sự thành công của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã dần trở thành xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp, tổ chức và người tiêu dùng trên toàn thế giới ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày.

Chuyển đổi số tác động mạnh mẽ lên mọi lĩnh vực, ngành nghề và cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Vậy chuyển đổi số là gì? Chuyển đổi số mang lại những giá trị nào cho doanh nghiệp và nhà nước? 

Chuyển đổi số là gì?

Khái niệm về chuyển đổi số

Digital Transformation hay chuyển đổi số là khái niệm được ra đời trong thời đại Internet bùng nổ. Cụ thể, chuyển đổi số là cách các doanh nghiệp sử dụng tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào trong tất cả các lĩnh vực của mình, tận dụng công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, hay mô hình kinh doanh. Chuyển đổi số cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm những cái mới và thoải mái chấp nhận những thất bại.

Tại Việt Nam, chúng ta có thể hiểu khái niệm “chuyển đổi số” chính là quy trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng các công nghệ như điện toán đám mây, dữ liệu lớn Big Data… nhằm thay đổi phương thức lãnh đạo, điều hành, quy trình làm việc và văn hóa của công ty. 

Chuyển đổi số - xu hướng thay đổi tất yếu trong cách mạng 4.0
Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số

Ví dụ về chuyển đổi số

Chuyển đổi số đã len lỏi và đi vào mọi ngóc ngành trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Điển hình là việc doanh nghiệp:

  • Sử dụng chatbots để giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng dựa trên kịch bản được lập trình sẵn.
  • Tạo các trang web bán hàng và sử dụng các sàn TMĐT để loại bỏ bớt chi phí thuê mướn cơ sở vật chất.
  • Sử dụng AI để giúp tự động hóa và rút ngắn các quy trình sản xuất.
  • Thay vì phải ra ngân hàng hay các cây ATM để thực hiện giao dịch theo nhu cầu, người dùng có thể thao tác nhanh qua các app của ngân hàng.
  • Nền tảng trực tuyến Zoom, Microsoft team,… ngày càng được phát triển rộng rãi đến người dùng. Nền tảng cho phép người dạy và người học có thể tổ chức các buổi học, đào tạo, chia sẻ trực tuyến một cách dễ dàng mà không cần phải tới lớp học.

Và còn rất rất nhiều các ứng dụng khác nữa.

Các lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số hiện nay

Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước

Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước là việc ứng dụng nền tảng số để nhằm giúp các nhà chức trách dễ dàng quản lý công việc cũng như giảm thiểu thời gian chờ đợi các thủ tục hành chính. Bao gồm các hoạt động như phát triển chính quyền số, chính phủ điện tử, các đô thị thông minh…

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Chuyển đổi số cho doanh nghiệp là việc tận dụng những lợi thế của công nghệ để tối ưu hóa cách thức vận hành và quản lý của doanh nghiệp, nhằm mang đến nhiều giá trị tốt hơn cho doanh nghiệp. Ví dụ như việc doanh nghiệp tận dụng công nghệ để lưu trữ dữ liệu trên điện toán đám mây hay sử dụng các công cụ để quản lý dự án, theo dõi nhân sự làm việc thông qua máy giám sát.

Ý nghĩa của chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Cung cấp thông tin chi tiết từ dữ liệu 

Chuyển đổi số sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp lưu giữ các thông tin, dữ liệu trong tài khoản điện toán đám mây. Nhờ đó, nhà quản lý sẽ dễ dàng theo dõi và cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác trong quá trình đưa đưa ra các quyết định.

Điều này được thể hiện rõ nhất trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, khi nhiều công ty cho nhân viên làm việc tại nhà nhưng vẫn đảm bảo được các hoạt động kinh doanh của mình.

Duy trì tính cạnh tranh của doanh nghiệp

Chuyển đổi số khi được áp dụng trong các doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp triển khai và vận hành các quy trình kinh doanh hiệu quả, chính xác và chất tượng. Từ đó, làm tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp/ tổ chức khác trong ngành.

Chuyển đổi số - xu hướng thay đổi tất yếu trong cách mạng 4.0
Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và nâng cao trải nghiệm của khách hàng

Nâng cao trải nghiệm của khách hàng

Mô hình chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tiến gần hơn tới khách hàng của mình. Thông qua các công cụ lưu trữ thông tin của khách hàng (lịch sử giao dịch, sản phẩm đã xem, sản phẩm mua thường xuyên…), người bán có thể dễ dàng nắm bắt được sở thích của khách hàng và đưa ra những lời tư vấn phù hợp hơn. Giờ đây, doanh nghiệp bạn không cần phải thuê nhân viên theo dõi, check tin nhắn của khách hàng thường xuyên mà chỉ cần cài đặt mặc định qua các phần mềm có sẵn…

Tăng cường liên kết giữa các phòng ban

Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường liên kết giữa các phòng ban có cùng công việc, mục tiêu liên quan tới nhau, đồng thời, giúp các nhân viên nắm bắt được thông tin trên hệ thống. Điều này sẽ làm tăng tính minh bạch trong tổ chức và tối ưu hóa được hiệu suất làm việc của tất cả các thành viên trong tổ chức.

Nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí

Thực hiện quá trình chuyển đổi số, mô hình truyền thống của doanh nghiệp sẽ được thay hoàn toàn sang công nghệ. CEO của doanh nghiệp sẽ chủ động trong mọi quá trình: dễ dàng truy xuất báo cáo, kiểm tra thông tin trên hệ thống… Mọi vận hành cũ sẽ được thao tác nhanh gọn hơn, tối ưu hơn. Từ đó nâng cao hiệu quả công việc và giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một khoản chi phí vận hành.

Phân biệt chuyển đổi số và số hoá

Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống của một doanh nghiệp sang mô hình kỹ thuật số, bao gồm việc đánh giá, tái cấu trúc, công nghệ hóa máy móc… nhằm đem lại hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Số hóa là hình thức chuyển đổi các dữ liệu sang định dạng kỹ thuật số, điển hình như chuyển tài liệu thành định dạng PDF, quét mã ảnh… Về bản chất thì dữ liệu được số hóa không bị thay đổi mà chỉ chuyển sang một định dạng khác, dưới dạng kỹ thuật số. Số hóa sẽ cho phép bạn truy cập hay xem xét tài liệu tốt hơn.

Chuyển đổi số - xu hướng thay đổi tất yếu trong cách mạng 4.0
Chuyển đổi số và Số hóa là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau

Chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào?

Nếu như trước đây chỉ có những công ty lớn có tiềm lực kinh tế mạnh mới có thể tham gia vào “cuộc đua” chuyển đổi số thì ngày nay, những công ty nhỏ hay thậm chí là các công ty startup cũng đều có thể tiếp cận tới.

Theo nghiên cứu của Microsoft tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP là khoảng 6% vào năm 2017, 25% vào năm 2019 và tới năm 2021 là 60%.

Kết quả nghiên cứu của McKensey cũng chỉ ra rằng: Vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số lên GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, Brazil là 35% và ở các nước châu Âu là khoảng 36%. Như vậy, có thể thấy khả năng tác động của chuyển đổi số lên GDP là rất lớn.

Tuy nhiên tốc độ chuyển đổi số tại các khu vực và các quốc gia sẽ là khác nhau, bởi nó còn tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và chuyển đổi mô hình doanh nghiệp cùng từng khu vực, từng quốc gia. Nhìn chung, khu vực châu Âu được đánh giá là một trong những khu vực có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất, tiếp đến là Mỹ và sau cùng là các quốc gia tại châu Á.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức của cuộc đua chuyển đổi số. Mô hình chuyển đổi số tạo ra nhiều dịch vụ, phần mềm, ứng dụng… có ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra nhiều thách thức và mâu thuẫn: Tối ưu quy trình, nguồn lực cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt một phần nhân lực và cần có một đội ngũ đòi hỏi có tay nghề và chuyên môn cao hơn. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự thay đổi và đưa ra các quyết định thay đổi mạnh mẽ và phù hợp để đảm bảo được hiệu quả về kinh doanh, năng suất và nguồn nhân lực.

Với con số 96 triệu người cùng với nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng nhất nhì trong khu vực, Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là một trong những đất nước có tiềm năng rất lớn trong việc tiếp cận và tạo ra sự đột phá nhờ vào cuộc đua chuyển đổi số.

Kết luận

Chúng ta đang sống trong một thế giới kỹ thuật số đầy biến động, nơi chuyển đổi số đã không còn là một lựa chọn mà trở thành một điều bắt buộc. Các doanh nghiệp cần phải ngay lập tức thoát ra khỏi vùng an toàn của mình, đứng lên tự tái tạo và nâng cấp hệ thống số hóa để cạnh tranh với các đối thủ của mình.

Nguồn: Marketing AI 

 

4.1/5 - (1470 bình chọn)