Thông tin 100 triệu tài khoản Zalo bị hack gây lo lắng cho những người dùng ứng dụng này.
Theo Cyber Press, một hacker có biệt danh “binanhang123” đã lên tiếng nhận trách nhiệm về việc xâm nhập dữ liệu cá nhân của 100 triệu người dùng Zalo. Hacker này đã công khai thông tin trên mạng xã hội, làm dấy lên lo ngại về vấn đề bảo mật của Zalo, nền tảng nhắn tin đang được nhiều người Việt Nam sử dụng.
Theo hacker, thông tin nhạy cảm như số điện thoại, tên người dùng và tên hiển thị của người dùng Zalo đã bị xâm phạm. Một mẫu dữ liệu bị đánh cắp cũng đã được chia sẻ làm bằng chứng.
Không chỉ công khai thông tin trên mạng xã hội, tài khoản “binanhang123” chứng minh cho tuyên bố của mình bằng cách đăng kèm một bản trích dữ liệu đã được che một phần để các thành viên khác trên diễn đàn có thể kiểm tra.
Nếu đúng 100 triệu tài khoản Zalo bị hack, sẽ có nhiều người bị lộ lọt thông tin quan trọng, riêng tư. Khi người dùng bị lộ thông tin, bọn tội phạm mạng hoàn toàn có thể khai thác dữ liệu đó để thực hiện các phi vụ lừa đảo.
Có thể hình dung, bọn tội phạm lấy thông tin căn cước công dân, sổ đỏ, sổ hồng mà chủ tài khoản lưu lại trên ứng dụng để làm giấy tờ giả, lừa đảo, vay nợ, cầm cố. Nạn nhân sẽ đối mặt với rất nhiều chuyện phức tạp, hậu quả rất khó lường.
Còn nhiều nhóm làm ăn, đơn vị kinh doanh sử dụng ứng dụng này để trao đổi thông tin, cho nên rất lo lắng bị kẻ xấu sẽ khai thác để làm những việc nguy hiểm, ảnh hưởng tới công việc kinh doanh, thậm chí là liên quan tới pháp luật.
Ngoài chuyện làm ăn, có không ít người sử dụng ứng dụng này như là góc bí mật của mình để chia sẻ tình cảm cá nhân, để lại hình ảnh, tin nhắn mà không hề đề phòng. Những hình ảnh và câu chuyện riêng tư đó có thể bị kẻ xấu lợi dụng, gây rắc rối, thậm chí bị tống tiền.
Gần đây, từng xảy ra những vụ lắp ghép hình ảnh dựng chuyện quan hệ bất chính, gây đau khổ cho nạn nhân và gia đình.
Người dùng rất cần phản hồi từ phía Zalo, xác minh hay phủ nhận thông tin về vụ bị hack này. Trong khi chờ đợi thông tin chính thức từ zalo, người dùng cần bình tĩnh, vì có thể chỉ là lời “đe dọa” hay “tin đồn thất thiệt”.
Các chuyên gia bảo mật khuyên người dùng Zalo nên cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Người dùng được khuyên không nên nhấp vào các liên kết lạ hoặc phản hồi những tin nhắn không mong muốn, vì đây có thể là một phần của các kế hoạch lừa đảo.
Ngoài ra, người dùng nên bật xác thực hai yếu tố (2FA) và thay đổi mật khẩu để tăng cường bảo mật.
Mặc dù chưa rõ mức độ chính xác của vụ việc, các chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả khi chỉ lộ một phần thông tin cá nhân, người dùng vẫn có thể gặp rủi ro bảo mật.
Cho đến khi có thêm thông tin xác nhận, người dùng nên thận trọng trong các hoạt động trực tuyến của mình.
Zalo chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của chúng tôi. Đơn vị này cũng chưa đưa ra tuyên bố chính thức xác nhận hay phủ nhận vụ việc.
Lỗ hổng bảo mật của Zalo không phải là vấn đề mới. Tháng 4, tại một nhóm cộng đồng chuyên sâu về công nghệ có hơn nửa triệu thành viên đã xuất hiện bài chia sẻ của thành viên có tên L.A.T về vấn đề bảo mật trên Zalo.
Người này cho biết lỗ hổng cho phép người dùng Zalo có thể thêm bất cứ ai trở thành bạn bè mà không cần có sự đồng ý của đối phương. Nếu có thể tận dụng lỗ hổng để kết bạn với bất cứ tài khoản nào trên Zalo, người dùng có thể tạo ra ảnh hưởng nhiều hơn vào quyền riêng tư của đối phương mà chưa có sự đồng ý.
Mới đây, báo cáo của công ty an ninh mạng Bkav cho biết hàng triệu người dùng Zalo đang đối mặt với nguy cơ bị lừa đảo trực tuyến nghiêm trọng bởi hai trang web giả mạo là zaloweb.me và zaloweb.vn, đe dọa an toàn thông tin cá nhân và an ninh mạng quốc gia.
Hai địa chỉ giả mạo này luôn xuất hiện đầu danh sách kết quả tìm kiếm Google khi người dùng tìm “zalo web”. Các trang giả mạo này được thiết kế tinh vi, gần như không thể phân biệt với trang chính thức của Zalo. Khi người dùng nhấp vào nút đăng nhập, họ có thể bị chuyển hướng đến các trang quảng cáo cá độ bóng đá, nội dung người lớn hoặc trang chứa virus.
Theo thông tin tự công bố, Zalo đã trở thành ứng dụng nhắn tin có số lượng người dùng nhiều nhất Việt Nam với 77 triệu người hoạt động ổn định hàng tháng. Số lượng tin nhắn gửi qua Zalo mỗi ngày đạt 1,9 tỷ tin.
Vụ việc này cũng là tiếng chuông cảnh báo, mỗi người phải cẩn trọng hơn khi sử dụng các ứng dụng, phải biết bảo vệ tài khoản của mình, hạn chế đưa thông tin cá nhân quan trọng lên zalo hay bất kỳ ứng dụng nào.
Con người thời nay sống với chiếc điện thoại thông minh và bị ràng buộc bởi “hệ sinh thái” công nghệ và ứng dụng khó thoát ra được. Giao tiếp, trao đổi thông tin đều phải sử dụng điện thoại thông minh và các nền tảng, nhưng không nhiều người biết cách tự bảo vệ mình.
Ngoài việc mỗi người phải học cách tồn tại trong “hệ sinh thái” công nghệ và các ứng dụng, các cơ quan quản lý cần tăng cường trách nhiệm, ngăn chặn bọn tội phạm mạng để bảo vệ người dân.
Đã đến lúc phải xem đem đến sự an toàn trên không gian mạng cho người dân cũng quan trọng như trong đời sống hằng ngày.
Nguồn: Báo lao động